Do vô tình hay hữu ý mà nhiều vụ tai nạn điện xảy ra đã để lại hậu quả đau buồn. Mức độ nhẹ có thể gây bỏng da, thương tật vĩnh viễn, nặng hơn dẫn đến tử vong. Đa số các vụ tai nạn đều xảy ra bất ngờ và diễn ra trong thời gian ngắn (tính bằng giây). Do vậy, để hạn chế tối đa các thiệt hại về người do tai nạn điện gây ra, chuyên gia Galaxy M&E khuyến cáo 3 yếu tố cơ bản sau đây.
Tai nạn điện do dây dẫn trần thường xảy ra do vi phạm khoảng cách an toàn giữa người và dây dẫn điện. Ngoài khoảng cách an toàn với người, tất cả các thiết bị/vật liệu dẫn điện mà con người sử dung/mang vác cũng cần tuân thủ những quy định về chiều cao, khoảng cách an toàn tối thiểu với dây điện trần. Đã có nhiều tai nạn xảy ra do công nhân chuyển những thanh thép dài để va chạm với dây dẫn; giàn giáo thi công bằng thép lắp quá gần đường dây điện cao thế; thiết bị cẩu trục hoạt động va chạm với dây trần dẫn đến chập điện, chết người…
Một dạng tai nạn khác có thể xảy ra với dây điện trần là do không đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu tính từ điểm võng nhất của dây điện đến phương tiện giao thông. Đường dây dẫn trên không vượt qua đường giao thông bên dưới phải đảm bảo độ cao tối thiểu là 6 mét. Ngoài đảm bảo độ cao, tại mỗi điểm giao cắt giữa dây trần và đường giao thông cần có biển báo/tín hiệu nhắc nhở độ cao tối đa của phương tiện khi lưu thông dưới dây điện trần.
Khoảng cách an toàn không phóng điện đối với dây dẫn không sử dụng vật liệu cách điện | GME.
1.2. Cáp điện ngầm
Đối với cáp điện đi ngầm và có lớp vỏ cách điện, tai nạn thường xảy ra do máy đào đất hoạt động va chạm với dây cáp dẫn. Khi lập phương án thi công đào đất cần cắm chỉ giới khu vực chứa cáp ngầm. Trong nhiều trường hợp, khi đào đất phải ngắt điện trong dây cáp nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị tại công trường.
Đường cáp ngầm cũng có thể bị bong chóc lớp cách điện, thậm chí dập, gãy do thiết bị cơ giới hạng nặng di chuyển đè lên bề mặt phía trên đường cáp ngầm. Trường hợp này thường do nguyên nhân trước đó, đơn vị thi công cáp ngầm không tuân thủ độ sâu tối thiểu khi chôn cáp, đồng thời không gia cố bề mặt phía trên cáp ngầm dẫn đến tiềm ẩn rủi ro tai nạn về điện. Để hạn chế tình trạng này, bắt buộc đơn vị thi công cáp ngầm phải chôn cáp ở độ sâu sao cho áp lực của xe cộ di chuyển bên trên không làm cáp bị giãn, dập, vỡ lớp vỏ cách điện. Cáp đi dưới đường giao thông phải luồn trong ống thép hoặc ống bê tông mà đường kính ống phải lớn hơn đường kính của dây cáp tối thiểu 3 lần.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn điện là do sự chủ quan của con người. Lý do dẫn đến việc này là bởi người lao động không được trang bị đầy đủ các kiến thức về an toàn khi sử dụng và vận hành các thiết bị điện.
Thiếu chuyên môn về điện rất dễ dẫn đến tai nạn lao động | Galaxy M&E.
Để hạn chế, loại bỏ những nguyên nhân gây tai nạn điện, trong quá trình thao tác kỹ thuật cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Trước khi tham gia vận hành các thiết bị điện, đặc biệt tại các nhà xưởng, khu công nghiệp, khu chế xuất, người lao động phải được tham gia các khóa học - đào tạo - huấn luyện vận hành điện an toàn. Với các loại thiết bị đặc thù cần có sự hướng dẫn của các chuyên gia cơ điện/nhà sản xuất/phân phối thiết bị.
- Trước khi tiến hành sửa chữa/lắp đặt/thi công… các thiết bị điện cần kiểm tra mọi điều kiện an toàn (môi trường làm việc, độ ẩm không khí, chướng ngại vật, vỏ bọc dây dẫn/thiết bị…). Khi có nghi ngờ, thí dụ trước khi đóng điện cần đảm bảo không có người đang sử dụng/tiếp xúc với thiết bị/dây dẫn điện. Chỉ nối mạch điện khi mọi điều kiện đã đảm bảo an toàn tuyệt đối.
- Trong quá trình sử dụng, vận hành thiết bị điện, người lao động phải sử dụng đầy đủ, đúng quy cách các dụng cụ bảo hộ lao động cá nhân.
- Khi thi công/sửa chữa thiết bị điện trên cao, bắt buộc người lao động phải đứng trên hệ thống giá đỡ vững chắc và có tấm cách điện (Bằng gỗ hoặc cao su cách điện). Đồng thời phải sử dụng dây đeo an toàn, mũ bảo hộ, găng tay, giày bảo hộ cách điện, quần áo bảo hộ phù hợp với đặc thù công việc thực hiện. Ngoài ra, khi thao tác trên cao, ngoài người trực tiếp tham gia vào quá trình sửa chữa/đấu nối/lắp đặt thiết bị điện thì cần có thêm một người bên dưới hỗ trợ. Người hỗ trợ cũng đóng vai trò cảnh giới và xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra trong quá trình làm việc.
- Tại các nhà xưởng, khu công nghiệp, khu chế xuất, người không có chuyên môn về kỹ thuật điện tuyệt đối không tham gia vào quá trình lắp đặt/sửa chữa/vận hành thiết bị cơ điện.
- Tại các văn phòng/khu dân cư, người không có chuyên môn về điện hạn chế tối đa việc sửa chữa các thiết bị điện/dây dẫn điện nếu không có sự trợ giúp của người có chuyên môn về kỹ thuật điện. Trong trường hợp bất khả kháng, cần ngắt toàn bộ đường điện trước khi tiến hành kiểm tra, sửa chữa/đấu nối.
Môi trường là một trong hai yếu tố (ngoài điện áp) có tính quyết định đến mức độ nguy hiểm do điện gây ra. Để hạn chế xảy ra tai nạn điện, khi vận hành các thiết bị điện trong các môi trường khác nhau cần chú ý những vấn đề sau:
- Môi trường ẩm ướt: Phải trang bị đầy đủ dụng cụ, trang phục, công cụ lao động đảm bảo tính cách điện, đồng thời có biện pháp tiếp xúc thích hợp ứng với từng loại dây chuyển/máy móc/thiết bị cơ điện. Trong trường hợp trang bị cá nhân không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an toàn cách điện cho mọi bộ phận cơ thể thì tuyệt đối không tham gia vận hành/sửa chữa các thiết bị điện.
- Trong môi trường bụi bẩn, đặc biệt bụi kim loại, hóa chất có tính dẫn điện: Đường dây dẫn điện phải có độ cách điện cao. Trong mỗi ống dẫn chứa dây điện chỉ được chứa một dây, không được bố trí nhiều dây dẫn điện. Mọi thiết bị điện đều được chứa trong các hộp cách điện đủ đảm bảo không gây ra hiện tượng phóng điện.
- Trong môi trường làm việc nói chung: Các thiết bị điện cần có dây nối đất để dòng điện song song qua người nếu xảy ra là nhỏ, không đủ gây tử vong hay tai nạn. Ngoài ra, khi vận hành thiết bị điện, người lao động cần được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động đảm bảo cách điện. Khi tiếp xúc với các bộ phận kim loại đang có điện phải dùng các dụng cụ chuyên dụng có độ cách điện phù hợp.
Dây điện rơi xuống đất tạo thành mối nguy hiểm chết người | Galaxy M&E.
- Trong khu vực có điện áp bước: Khi phát hiện dây dẫn bị đứt/rơi xuống/tiếp xúc với đất hoặc sàn nhà, ngay lập tức phải tìm cách thông báo cho những người xung quanh để có biện pháp xử lý, đồng thời cách ly mọi người khỏi vùng nguy hiểm với khoảng cách tối thiểu là 20 m. Nếu người phát hiện đang đứng trong vùng nguy hiểm (< 20 m) thì trước khi thông báo cho người xung quanh, bằng mọi cách phải nhảy lò cò ra khỏi vùng có dây điện bị rơi/tiếp xúc với đất/sàn hoặc nhờ người xung quanh đưa các tẩm thảm cách điện/ván gỗ để tạo đường di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trên đây là 3 yếu tố cơ bản giúp phòng tránh tai nạn điện. Ngoài các yếu tố nêu trên, để đảm bảo tuyệt đối cho người và trang thiết bị trong quá trình sử dụng điện, các đơn vị, cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu chế xuất cần tuân thủ đẩy đủ Luật Điện lực và các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của Nhà nước về An toàn điện. Trong trường hợp xảy ra tai nạn điện thì cần tiến hành cách ly người bị nạn ra khỏi nguồn điện, sau đó tiến hành sơ cứu đúng cách để hạn chế tối đa tổn thương do điện gây ra.
BBT Galaxy M&E