Nhiều khảo sát cho thấy nền kinh tế một số nước phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm dịch bệnh hoành hành. Trái ngược lại, không ít quốc gia vẫn phải vật lộn do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh.
Việt Nam đang phải gồng mình chống lại làn sóng bùng phát dịch bệnh lần thứ 04 trên khắp các tỉnh thành. Trong bối cảnh mới, các nhà thầu cơ điện buộc phải thay đổi chiến lược để ứng phó trước các tác động tiêu cực. Bài viết dưới đây sẽ đề cập tới bối cảnh kinh tế hiện tại, đồng thời định hướng 5 nhóm giải pháp thiết thực giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ điện vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Với niềm tin dịch bệnh sẽ được kiểm soát nhờ tiêm chủng vaccine, nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi. Tốc độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ hiệu quả của chính sách kinh tế và việc triển khai nhanh chóng các loại vaccine tại các quốc gia. Nhiều nước vẫn phải gồng mình trong việc kiểm soát đại dịch nên nỗ lực khôi phục kinh tế gặp nhiều trở ngại.
Nguồn tư liệu: Quỹ tiền tệ quốc tế IMF
Theo dự báo tăng trưởng mới nhất do Quỹ tiền tệ IMF phát hành “GDP kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng 6% vào năm 2021, trong khi đó các nền kinh tế mới nổi là 6.7%, các nền kinh tế phát triển là 5.1%”[1].
Để phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế chúng ta dựa vào chỉ số PMI. Đây là một trong các chỉ số được nhiều nhà quản lý kinh tế sử dụng để đánh giá "sức khoẻ" kinh tế ở quốc gia. PMI[2] là chỉ số thể hiện xu hướng phổ biến của nền kinh tế trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Nó bao gồm chỉ số lan toả, nhìn nhận, đánh giá nhu cầu thị trường. Mục đích của PMI là cung cấp thông tin kinh tế trong quá khứ, hiện tại và tương lai nhằm giúp các nhà quản lý kinh tế và doanh nghiệp có được các chính sách vận hành phù hợp. Chỉ số PMI phụ thuộc các yếu tố như sản lượng, đơn đặt hàng mới, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, giá cả, hàng tồn kho …
Nguồn tư liệu: Trading Economics
- Tại Hoa Kỳ, PMI sản xuất đã tăng từ 62,1 điểm trong tháng 5 lên 63,1 điểm trong tháng 7, mức cao nhất trong vòng 02 năm trở lại đây. Trong khi đó, PMI dịch vụ giảm từ 70,4 trong tháng 5 xuống còn 59,8 trong tháng 7, cao hơn 4,8 điểm so với tháng 8 năm 2020. Hai chỉ số PMI của Hoa Kỳ là dấu hiệu cho thấy sự thuận lợi trong tăng trưởng kinh tế.
Nguồn tư liệu: Trading Economics
- PMI sản xuất của Anh trong tháng 7 giảm xuống còn 60,4 điểm, thấp hơn mức đỉnh của tháng 5 là 5,2 điểm. Tuy PMI giảm nhưng so với 01 năm trước đó, chỉ số này vẫn cao hơn 27,8 điểm. Sự tăng trưởng đến từ gia tăng nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Đây cũng là phản ứng tích cực nhờ việc nới lỏng các hạn chế xã hội của Chính phủ Anh.
Nguồn tư liệu: Trading Economics
- Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoạt động dịch vụ đã được khôi phục do các hạn chế liên quan đến Covid-19 đã được nới lỏng. PMI dịch vụ tăng từ 55,2 trong tháng 5 lên 58,0 trong tháng 6, mức cao nhất trong 41 tháng.
Nguồn tư liệu: Trading Economics
- Chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản giảm từ 53 điểm trong tháng 5 xuống còn 51,5 điểm trong tháng 6, cao hơn mức thấp nhất diễn ra vào tháng 4/2020 là 22,8 điểm. Điều này cho thấy mức độ tăng trưởng sản xuất của Nhật Bản ở mức khiêm tốn. Lĩnh vực dịch vụ PMI giảm xuống còn 47,2 điểm. Nguyên nhân sự sụt giảm đến từ dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống tại nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới. Xét trong ngắn hạn, chỉ số PMI tổng hợp (phản ánh cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ) của Nhật Bản thể hiện suy giảm kinh tế. Nếu xét trong 12 tháng tới, theo Trading Economics dự báo, chỉ số PMI sản xuất của Nhật sẽ dao động quanh mốc 50,5 điểm - mức tăng trưởng thấp so với các nước phát triển.
Nguồn tư liệu: Trading Economics
- Đi ngược với các nước phát triển, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm 0,7 điểm so với tháng 5 và dừng ở mức 51,3 điểm. Nếu so sánh với PMI tháng 11 năm 2020, Trung Quốc đã tụt 3.6 điểm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này theo Trading Economics đến từ dịch bệnh bùng phát trở lại ở một số địa phương, xuất khẩu giảm và áp lực lạm phát ngày càng tăng đối với quốc gia đông dân nhất thế giới.
Đánh giá một cách tổng thể, sự phục hồi ở nhiều quốc gia đang bị kìm hãm do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19 và tiến độ tiêm chủng chậm trễ, cũng như chính sách bị rút hỗ trợ lại trong một số trường hợp. Với các nước đang phát triển, Covid-19 làm đảo ngược kết quả giảm nghèo, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh và tăng thách thức lâu dài khác tại các nền kinh tế có thu nhập thấp.
Các chỉ số PMI cho thấy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Đồng thời chúng chỉ ra những hạn chế về chuỗi cung ứng và lực lượng lao động trên phạm vi toàn cầu, thúc đẩy lạm phát và kìm hãm khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà sản xuất.
Dịch bệnh kéo dài đã khiến chuỗi cung ứng và thị trường lao động bị gián đoạn, trở thành một hiện tượng toàn cầu, kéo theo nỗi lo lạm phát của mọi nền kinh tế, đặc biệt ở những quốc gia đầu tàu kinh tế thế giới.
- Tại Mỹ, trong lĩnh vực sản xuất, mặc dù lượng đơn hàng mới vượt trội nhưng thực tế sản lượng đã giảm tốc. Điều này có thể do sự chậm trễ của nhà cung cấp và khó khăn trong việc tìm kiếm lao động phù hợp. Đối với ngành dịch vụ cũng gặp khó khăn tương tự. Các đơn đặt hàng mới tăng nhanh nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thu hút lao động.
- Tại Anh, chỉ số PMI cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu lao động tăng lên, gia tăng tình trạng thiếu hụt lao động, tiền lương tăng làm chi phí đầu vào tăng cao, dẫn đến tăng chi phí đầu ra, làm gia tăng lạm phát.
- Đối với khu vực đồng tiền chung châu Âu, nhu cầu tư liệu sản xuất tăng mạnh, lượng hàng tồn đọng cùng giá đầu vào tăng dẫn đến chi phí đầu ra tăng cao, tạo ra áp lực lạm phát mới.
+ CPI (Euro - Tháng 6/2021) dự báo là 1.9% so với tháng 5 là 2% (dữ liệu từ tháng 6 năm 2021, trích vào ngày 30 tháng 6 năm 2021)[3].
+ Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã tăng từ 5% trong tháng 5 lên mức 5,4% vào tháng 6/2021, cao hơn mức dự báo của thị trường là 4,9%[4].
- Tại Trung Quốc, sau nhiều tháng, chi phí đầu vào cho lĩnh vực sản xuất tăng đột biến. Từ những thứ như ốc, vít, cho đến hoá chất công nghiệp, kim loại, chip ... Chi phí đóng gói cũng tăng khoảng 15%; cá biệt, giá nhựa đã tăng tới 40% kể từ đầu năm 2021 đến nay. Chỉ số Bloomberg Commodity Spot Index đã theo dõi sự biến động giá của 23 loại hàng hoá cơ bản, tỷ trọng tăng hơn 70% và chạm mức sàn cao nhất kể từ năm 2011[5]. Trong khi nhu cầu các đơn hàng tại 02 thị trường xuất khẩu chính của Trung Quốc là Hoa Kỳ và Châu Âu tăng đột biến thì nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lại đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất do thiếu hụt lao động, thiếu nguyên liệu đầu vào, chi phí vật tư tăng giá.
Với những biến chuyển của các nền kinh tế trên thế giới đã đặt ra một bài toán khó với nền kinh tế Việt Nam.
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, PMI sản xuất của Việt Nam tháng 5/2021 từ mức 51,3 điểm giảm xuống còn 44,1 điểm trong tháng 6. Mức này cao hơn 20,4 điểm so với mức thấp nhất (phạm vi 02 năm) của tháng 02/2020. (Nguồn tư liệu: Trading Economics)
Kinh tế Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi kinh tế toàn cầu, khi các nền kinh tế khác biến động sẽ ảnh hưởng tới kinh tế trong nước.
Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong nước. 87,2% doanh nghiệp cho biết họ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ 11% doanh nghiệp cho rằng họ không bị tác động và gần 2% ghi nhận tăng trưởng trong thời kỳ đại dịch[6]. Cũng giống như các doanh nghiệp khác trên toàn cầu, các ảnh hưởng chủ yếu tập trung vào 4 vấn đề: Chuỗi cung ứng bị gián đoạn; khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng; vấn đề người lao động và nguồn vốn để duy trì sản xuất. Với mỗi khu vực kinh tế sẽ chịu các tác động khác nhau.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, đợt bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tác động tiêu cực đến các ngành, lĩnh vực, địa bàn quan trọng, có đóng góp lớn đối với phát triển kinh tế. Một số khu công nghiệp, nơi tập trung lượng lớn lao động và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho nền kinh tế như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… bị tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng lớn tới chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Trong khi đó, giá một số mặt hàng nguyên vật liệu và cước phí vận chuyển quốc tế tăng mạnh đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngành xây lắp cơ điện gắn bó mật thiết với các dự án đầu tư, mở rộng/xây mới nhà máy, khu công nghiệp, khu đô thị và các dự án bất động sản. Do lo ngại rủi ro vì sự gián đoạn trong chuỗi sản xuất và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đầu tư tư nhân và nước ngoài giảm mạnh.
Trong một khảo sát về sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho thấy 85% doanh nghiệp tư nhân trong ngành xây dựng và 76%[6] doanh nghiệp bất động sản chịu tác động tiêu cực.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sàn, nằm sàn, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đều bị tác động rõ rệt. Các sự kiện đông người như phục vụ quảng bá tiếp thị đều bị hủy bỏ. Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng bị nhiều khách trả lại… Đối với khu vực FDI, tỷ lệ bị ảnh hưởng trong ngành xây dựng khoảng 89%, ngành bất động sản là 100%[6].
Do Covid-19, việc đi lại của nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 20/6/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,27 tỷ USD[7]. Con số này chỉ bằng 97,4% so với cùng kỳ năm 2020, và đang theo xu hướng sụt giảm. Việc sụt giảm nguồn vốn FDI kéo theo hoạt động xây dựng giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của ngành xây lắp cơ điện.
Nhìn chung, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng tới mọi ngóc ngách của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, mọi sự phát triển đều tuân theo quy luật tự nhiên, trong thách thức luôn song hành cơ hội cho những ai nắm bắt kịp thời. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cơ hội nào cho sự phục hồi và phát triển của các nhà thầu cơ điện?
Nhờ Chính phủ đã ban hành các chính sách kịp thời, đồng thời đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine, kiên trì với mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế hướng tới mở cửa toàn phần, 6 tháng vừa qua, theo Bộ KH&ĐT, Việt Nam đã có thêm các dự án FDI[7]:
+ Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD;
+ Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD);
+ Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD;
+ Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD;
+ Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư là 498 triệu USD.
Ngoài hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản tăng 15,56% so với tháng 3/2020. Những dự án này khi triển khai sẽ mang lại nguồn việc lớn cho nhà thầu cơ điện.
Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh các đơn vị hoạt động cầm chừng thì vẫn có nhà thầu cơ điện duy trì nguồn việc một cách ổn định. Lượng việc làm có được đến từ hoạt động mở rộng cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp có vốn FDI như Công ty TNHH Aerospace Việt Nam; Dầu thực vật Cái Lân; Siêu thị Aeon Mall Long Biên. Các dự án này đều được triển khai bởi Galaxy M&E.
Tuy rằng dịch bệnh đã tác động tiêu cực tới nguồn việc của các đơn vị xây lắp cơ điện nhưng cơ hội việc làm vẫn còn đó. Để nắm bắt cơ hội, mỗi doanh nghiệp cần phải linh hoạt, chủ động, có phương án đối phó với sự biến động của nền kinh tế.
Vậy giải pháp nào để các đơn vị xây lắp cơ điện tổn tại và vượt qua đại dịch?
Cho đến thời điểm hiện tại, với sự gia tăng của các dòng biến thể Covid-19, câu chuyện chờ hết dịch để hoạt động sản xuất sẽ không còn phù hợp. Thay vào đó là tâm thế sống chung với dịch để vừa chống dịch vừa hoạt động. Để thực hiện được mục tiêu kép, các doanh nghiệp cơ điện có thể thực hiện theo các giải pháp dưới đây:
Giải pháp thứ nhất: Duy trì đồng bộ các biện pháp chống dịch như khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn, mặc đồ bảo hộ ... Chủ động xây dựng các phương án phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra; trong trường hợp cần thiết yêu cầu toàn bộ lực lượng lao động làm việc và sinh hoạt tại công trình để tránh việc lây lan dịch bệnh;
Giải pháp thứ hai: Nắm bắt kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từ đó áp dụng cho doanh nghiệp, cho người lao động để giảm bớt khó khăn trước mắt. Tìm cách tiếp cận các gói hỗ trợ, nguồn vốn vay để giải quyết khó khăn tài chính trước mắt;
Giải pháp thứ ba: Tìm chuỗi cung ứng mới phục vụ sản xuất. Thay vì phụ thuộc vào một số nhà cung ứng vật tư nhất định, hãy đa dạng các nhà cung cấp để tăng sự chủ động;
Giải pháp thứ tư: Áp dụng cách làm việc linh hoạt, tăng cường số hoá và tự động hoá trong các khâu;
Giải pháp thứ năm: Tăng cường đào tạo kỹ năng số cho người lao động, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao chất lượng nhân sự, sẵn sàng thích ứng với yêu cầu mới của công việc.
Kết luận: Dịch bệnh Covid 19 càng kéo dài, mức độ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp càng lớn. Để có thể duy trì hoạt động buộc các doanh nghiệp phải thích ứng và chủ động đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp nếu muốn tồn tại và vượt qua đại dịch.
BBT Galaxy M&E
Nội dung bài viết sử dụng thông tin từ các nguồn:
[1] Real GDP growth - imf.org
[2] PMI manage index - investopedia.com
[3] Inflation in the euro area - ec.europa.eu
[4] United States consumer price index - tradingeconomics.com
[5 Sản xuất của Trung Quốc gặp khó - vnexpress.net
[6]. Báo cáo tác động của dịch bệnh Covid 19 đối với doanh nghiệp Việt Nam - Website xây dựng Pháp luật của VCCI;
[7] Vốn FDI đăng ký mới tăng 13,2% trong 6 tháng đầu năm - vneconomy.vn;
Trading Economics là nền tảng trực tuyến cung cấp lịch sử và dự báo kinh tế, tin tức, các khuyến cáo thương mại. Trading Economics có trụ sở tại New City, New York, U.S.