An toàn lao động, phòng tránh tai nạn điện luôn là vấn đề được các doanh nghiệp và người lao động quan tâm. Khác với an toàn cơ khí, các nguy cơ tai nạn điện khó phát hiện bằng giác quan nghe, nhìn. Tai nạn điện chỉ nhận biết được khi xảy ra sự cố do tiếp xúc với các vật chất mang điện tích. Để phòng tránh các nguy cơ gây ra sự cố và tai nạn điện, tổ chức sử dụng lao động và cá nhân người lao động cần tham gia các khóa huấn luyện về an toàn và phòng tránh sự cố do điện gây ra.
Việc tổ chức các khóa huấn luyện an toàn cho lao động tiếp xúc, sử dụng điện tuy đơn giản nhưng chất lượng và nội dung các khóa học vẫn là dấu chấm hỏi. Tồn tại thực tế này là do việc không nắm rõ các quy định của Nhà nước, khung chương trình đào tạo, nội dung đào tạo và điều kiện cấp thẻ an toàn điện. Mặc dù việc tra cứu các văn bản Nhà nước quy định về các vấn đề an toàn lao động và phòng tránh tai nạn do điện gây ra trở nên dễ dàng nhưng không phải các nhân, tổ chức nào cũng chủ động tìm hiểu. Với vai trò là đơn vị chuyên tư vấn, thiết kế xây lắp các công trình cơ điện cùng mong muốn Khởi tạo những giá trị an toàn, bền vững cho khách hàng, Galaxy M&E xin gửi tới bạn đọc quy định chi tiết của Nhà nước về việc huấn luyện, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện. Nội dung này được nêu cụ thể trong thông tư số 31/2014-BCT của Bộ Công thương.
Sử dụng đầy đủ bảo hộ lao động được làm từ vật liệu cách điện là cách giảm thiểu tai nạn do điện gây ra.
Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động điện lực và sử dụng điện trên lãnh thổ Việt Nam, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Các từ ngữ được sử dụng trong Thông tư:
- Người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo là người lao động của đơn vị điện lực hoạt động theo Luật Hợp tác xã, phạm vi hoạt động tại khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
- Người vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây điện hoặc thiết bị điện ở doanh nghiệp là người lao động của các đơn vị: Phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, xây lắp điện, sử dụng điện để sản xuất (có trạm biến áp riêng) hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Người sử dụng lao động là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của các tổ chức, cá nhân, đơn vị trực tiếp quản lý người lao động.
Nội dung thông tư số 31/2014-BCT bao gồm có 6 chương, 20 điều, trong đó nội dung về huấn luyện an toàn điện được quy định tại 6 điều của chương II.
Điều 4. Đối tượng được huấn luyện an toàn, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện
1. Người làm công việc vận hành, thí nghiệm, xây lắp, sửa chữa đường dây dẫn điện hoặc thiết bị điện ở doanh nghiệp, bao gồm cả treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng; điều độ viên.
2. Người làm công việc vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo.
Điều 5. Nội dung huấn luyện phần lý thuyết
1. Nội dung huấn luyện chung
a) Sơ đồ hệ thống điện, các yêu cầu bảo đảm an toàn cho hệ thống điện.
b) Biện pháp tổ chức để bảo đảm an toàn khi tiến hành công việc: Khảo sát, lập biên bản hiện trường (nếu cần); lập kế hoạch; đăng ký công tác; tổ chức đơn vị công tác; làm việc theo Phiếu công tác hoặc Lệnh công tác; thủ tục cho phép làm việc; giám sát an toàn trong thời gian làm việc; thủ tục kết thúc công việc và đóng điện trở lại.
c) Biện pháp kỹ thuật chuẩn bị nơi làm việc an toàn: cắt điện và ngăn chặn có điện trở lại nơi làm việc; kiểm tra không còn điện; tiếp đất; lập rào chắn, treo biển cấm, biển báo; thiết lập vùng làm việc an toàn.
d) Cách nhận biết và biện pháp loại trừ nguy cơ gây sự cố, tai nạn tại nơi làm việc và phương pháp tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, sơ cứu người bị tai nạn điện.
đ) Tính năng, tác dụng, cách sử dụng, cách bảo quản, quy định về kiểm tra (thí nghiệm) các trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc phù hợp với công việc của người lao động.
2. Nội dung huấn luyện cho người làm từng công việc cụ thể
a) Cho người làm công việc vận hành đường dây dẫn điện, thiết bị điện
- Đối với đường dây dẫn điện:
+ Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố đường dây dẫn điện;
+ An toàn khi: Kiểm tra đường dây dẫn điện; làm việc trên đường dây dẫn điện đã cắt điện hoặc đang mang điện; chặt, tỉa cây trong và gần hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện; làm việc trên cao.
- Đối với thiết bị điện:
+ Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, quy định an toàn cho thiết bị điện, trạm điện;
+ An toàn khi: Kiểm tra thiết bị điện; đưa thiết bị điện vào hoặc ngừng vận hành; làm việc với các thiết bị điện, hệ thống điện một chiều;
+ Phòng cháy, chữa cháy cho thiết bị điện, trạm điện.
b) Cho người làm công việc xây lắp điện
- An toàn khi đào, đổ móng cột; đào mương cáp ngầm;
- An toàn khi lắp, dựng cột;
- An toàn khi rải, căng dây dẫn, dây chống sét;
- An toàn khi lắp đặt thiết bị điện.
c) Cho người làm công việc thí nghiệm điện
- Quy trình vận hành, quy trình xử lý sự cố, quy định an toàn cho các thiết bị của trạm thử nghiệm, phòng thí nghiệm; biện pháp tổ chức đảm bảo an toàn khi thử nghiệm;
- An toàn điện khi tiến hành các loại thử nghiệm riêng biệt như thử nghiệm máy điện, máy biến điện áp, biến dòng điện; cách điện của cáp điện.
d) Cho người làm công việc sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện
- Đối với đường dây dẫn điện: An toàn khi sửa chữa trên đường dây dẫn điện đã cắt điện hoặc đang mang điện đi độc lập hoặc trong vùng ảnh hưởng của đường dây khác đang vận hành;
- Đối với thiết bị điện: An toàn khi làm việc với từng loại thiết bị điện như máy biến áp, máy cắt, máy phát điện, động cơ điện cao áp, tụ điện, hệ thống điện một chiều.
đ) Cho người làm công việc treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng tại vị trí lắp đặt An toàn khi treo, tháo, kiểm tra, kiểm định hệ thống đo, đếm điện năng tại vị trí lắp đặt khi có điện hoặc không có điện.
Điều 6. Nội dung huấn luyện phần thực hành
1. Cách sử dụng, bảo quản, kiểm tra, thí nghiệm các trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc phù hợp với công việc của người lao động
2. Phương pháp tách người bị điện giật ra khỏi nguồn điện và sơ cứu người bị tai nạn điện.
3. Những nội dung thao tác liên quan đến việc bảo đảm an toàn phù hợp với công việc của người lao động.
Điều 7. Tổ chức huấn luyện
1. Đối với người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này, người sử dụng lao động có trách nhiệm:
a) Xây dựng tài liệu và quy định thời gian huấn luyện phù hợp với bậc an toàn và vị trí công việc của người lao động;
b) Lựa chọn người huấn luyện theo quy định tại Khoản 3 Điều này;
c) Tổ chức huấn luyện, kiểm tra, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện cho người lao động sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả kiểm tra phần lý thuyết hoặc phần thực hành không đạt yêu cầu thì phải huấn luyện lại phần chưa đạt;
d) Quản lý, theo dõi công tác huấn luyện, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện tại đơn vị.
2. Đối với người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này, Sở Công Thương có trách nhiệm:
a) Xây dựng tài liệu và quy định thời gian huấn luyện phù hợp với bậc an toàn và vị trí công việc của người vận hành, sửa chữa điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo;
b) Lựa chọn người huấn luyện theo quy định tại Khoản 3 Điều này;
c) Tổ chức huấn luyện, kiểm tra, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện cho người lao động sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả kiểm tra phần lý thuyết hoặc phần thực hành không đạt yêu cầu, phải huấn luyện lại phần chưa đạt theo đề nghị của người sử dụng lao động.
3. Người huấn luyện an toàn đện
a) Người huấn luyện phần lý thuyết phải có trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành huấn luyện và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm công tác trong chuyên ngành đó.
b) Người huấn luyện phần thực hành có trình độ cao đẳng trở lên, thông thạo và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm làm công việc phù hợp với chuyên ngành huấn luyện.
4. Hình thức và thời gian huấn luyện an toàn điện
a) Huấn luyện lần đầu: Thực hiện khi người lao động mới được tuyển dụng. Thời gian huấn luyện lần đầu ít nhất 24 giờ.
b) Huấn luyện định kỳ: Thực hiện hàng năm. Thời gian huấn luyện định kỳ ít nhất 08 giờ.
c) Huấn luyện lại: Khi người lao động chuyển đổi vị trí công việc hoặc thay đổi bậc an toàn hoặc có sự thay đổi thiết bị, công nghệ; khi kết quả kiểm tra của người lao động không đạt yêu cầu hoặc khi người lao động đã nghỉ làm việc từ 6 tháng trở lên. Thời gian huấn luyện lại ít nhất 12 giờ.
5. Tùy điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động có thể tổ chức huấn luyện riêng về an toàn điện theo nội dung quy định tại Thông tư này hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy hoặc huấn luyện khác được pháp luật quy định.
6. Chi phí tổ chức huấn luyện, cấp thẻ do người sử dụng lao động chi trả.
Điều 8. Bậc an toàn điện
Bậc an toàn điện được phân thành 5 bậc, từ bậc 1/5 đến 5/5.
1. Yêu cầu đối với từng bậc an toàn điện
a) Đối với bậc 1/5:
- Kết quả huấn luyện lần đầu về lý thuyết và thực hành đạt 80% trở lên;
- Biết những quy định chung để đảm bảo an toàn khi thực hiện công việc được giao;
- Sử dụng và quản lý trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc được giao đúng quy định.
b) Đối với bậc 2/5:
- Biết những quy định chung và biện pháp bảo đảm bảo an toàn khi thực hiện công việc được giao;
- Sử dụng và quản lý trang thiết bị an toàn, phương tiện, dụng cụ làm việc được giao đúng quy định;
- Biết phương pháp tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện;
- Biết sơ cứu người bị điện giật.
c) Đối với bậc 3/5:
- Yêu cầu như đối với bậc 2/5;
- Có khả năng phát hiện vi phạm, hành vi không an toàn;
- Biết cách kiểm tra, giám sát người làm việc ở đường dây hoặc thiết bị điện.
d) Đối với bậc 4/5:
- Yêu cầu như đối với bậc 3/5;
- Hiểu rõ trách nhiệm, phạm vi thực hiện của từng đơn vị công tác khi cùng tham gia thực hiện công việc;
- Biết lập biện pháp an toàn để thực hiện công việc và tổ chức giám sát, theo dõi công nhân làm việc;
- Có khả năng phân tích, điều tra sự cố, tai nạn điện.
đ) Đối với bậc 5/5:
- Yêu cầu như đối với bậc 4/5;
- Biết phối hợp với các đơn vị công tác khác, lãnh đạo công việc, tổ chức tiến hành các biện pháp an toàn và kiểm tra theo dõi thực hiện công việc.
2. Những công việc được làm theo bậc an toàn
a) Bậc 1/5 được làm những phần công việc sau:
- Được làm các công việc không tiếp xúc với thiết bị hoặc dây dẫn mang điện;
- Tham gia phụ việc cho đơn vị công tác làm việc trên thiết bị điện, đường dây dẫn điện.
b) Bậc 2/5 được làm những phần công việc sau:
- Làm phần công việc của bậc 1/5;
- Làm việc tại nơi đã được cắt điện hoàn toàn.
c) Bậc 3/5 được làm những phần công việc sau:
- Làm phần công việc của bậc 2/5;
- Làm việc tại nơi được cắt điện từng phần;
- Làm việc trực tiếp với đường dây dẫn điện, thiết bị điện hạ áp đang mang điện;
– Thực hiện thao tác trên lưới điện cao áp;
- Kiểm tra trạm điện, đường dây điện đang vận hành;
- Cấp lệnh công tác, chỉ huy trực tiếp, cho phép đơn vị công tác vào làm việc, giám sát đơn vị công tác làm việc trên lưới điện hạ áp.
d) Bậc 4/5 được làm những phần công việc sau:
- Làm phần công việc của bậc 3/5;
- Làm việc trực tiếp với đường dây dẫn điện, thiết bị điện hạ áp, cao áp đang mang điện;
- Cấp phiếu công tác, lệnh công tác, chỉ huy trực tiếp, cho phép đơn vị công tác vào làm việc, giám sát đơn vị công tác làm việc trên đường dây dẫn điện, thiết bị điện.
đ) Bậc 5/5 làm toàn bộ công việc thuộc phạm vi được giao.
Điều 9. Thẻ an toàn điện
1. Cấp thẻ an toàn điện
a) Cấp mới sau khi người lao động được huấn luyện lần đầu và kiểm tra đạt yêu cầu hoặc khi người lao động chuyển đổi công việc.
b) Cấp lại khi người lao động làm mất, làm hỏng thẻ.
c) Cấp sửa đổi, bổ sung khi thay đổi bậc an toàn của người lao động.
d) Thời gian cấp mới, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung thẻ cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều
4 Thông tư này không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động được huấn luyện lần đầu, huấn luyện định kỳ, huấn luyện lại, kiểm tra đạt yêu cầu hoặc ngày người sử dụng lao động nhận được văn bản đề nghị của người lao động làm hỏng, làm mất thẻ.
đ) Thời gian cấp mới, cấp lại, cấp sửa đổi bổ sung thẻ cho người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động được huấn luyện lần đầu, huấn luyện định kỳ, huấn luyện lại, kiểm tra đạt yêu cầu hoặc ngày Sở Công Thương nhận được văn bản đề nghị của người sử dụng lao động có người lao động làm hỏng, làm mất thẻ. Người sử dụng lao động có người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư này có trách nhiệm gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị huấn luyện, cấp thẻ đến Sở Công Thương bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Hồ sơ gồm có:
- Văn bản đề nghị của người sử dụng lao động: Ghi đầy đủ họ tên, công việc và bậc an toàn hiện tại của người lao động;
- 02 ảnh (2×3)cm và thẻ an toàn điện cũ (nếu có) của người lao động.
e) Mẫu thẻ theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Sử dụng thẻ an toàn điện
a) Thời hạn sử dụng: Từ khi được cấp tới khi thu hồi.
b) Trong suốt quá trình làm việc, người lao động phải mang theo và xuất trình Thẻ an toàn điện theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc của các đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn điện.
3. Thu hồi thẻ an toàn điện
a) Thu hồi thẻ an toàn điện khi người lao động chuyển làm công việc khác hoặc không tiếp tục làm việc tại tổ chức, đơn vị cũ.
b) Việc thu hồi thẻ do tổ chức, đơn vị cấp thẻ thực hiện.
Nghề cơ điện đòi hỏi phải luôn ghi nhớ các nguyên tắc về an toàn điện.
Trên đây là nội dung các quy định của Nhà nước về việc huấn luyện, xếp bậc và cấp thẻ an toàn điện. Các nội dung văn bản khác như Luật An toàn vệ sinh lao động năm sửa đổi năm 2015, Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ, thông tư số 13/2016/TT-BLĐ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mang tính chất bổ trợ cho các quy định về an toàn, vệ sinh lao động nói chung.