Tai nạn điện là tai nạn nguy hiểm nhất trong số các loại tai nạn lao động. Chỉ sau 0,2 giây tiếp xúc với điện áp, tính mạng của nạn nhân có thể bị tước đi vĩnh viễn. Mặc dù nhận thức về an toàn điện của hầu hết người lao động hiện nay đã được nâng cao nhưng dường như tai nạn điện chưa có hồi kết. Người bị tai nạn điện nếu được sơ cứu kịp thời và đúng cách, thiệt hại về sức khỏe sẽ giảm, nạn nhân có nhiều cơ hội phục hồi. Để góp phần cùng với xã hội giảm thiểu các nguy cơ và thiệt hại do tai nạn điện gây ra, Cơ điện Galaxy xin gửi tới bạn đọc 3 bước cần thiết để tiến hành sơ cứu người bị điện giật.
Người bị điện giất thường chân tay co quắp, da bị phỏng, tim ngừng đập, da mặt nạn nhân trắng bệch rồi tím dần. Trường hợp tim ngừng đập lâu sẽ làm đồng tử mắt giãn to. Trường hợp bị giật bởi điện cao thế, toàn thân nạn nhân xuất hiện các vết xám do dòng điện thiêu đốt. Trường hợp đa chấn thương do tác động của dòng điện, chân, tay nạn nhân có thể bị gãy, sai khớp, chấn thương hộp sọ, chấn thương cột sống. Nếu nạn nhân bị va đập mạnh có thể dẫn đến chảy máu ngoài da hoặc tụ máu trong.
Khi phát hiện thấy người bị điện giật cần mau chóng cách ly nạn nhân ra khỏi nguồn điện | Galaxy M&E
Trường hợp cách ly được nạn nhân ra khỏi nguồn điện:
Cần nhanh chóng cách ly nguồn điện bằng cách cắt các thiết bị đóng cắt gần nạn nhân nhất như: Công tắc, cầu dao, aptomat.
Khi cắt nguồn điện cần chú ý:
- Nếu người bị nạn đang ở trên cao thì cần có biện pháp hứng, đỡ khi người đó rơi xuống.
- Có thể dùng dao búa… có cán cách điện để chặt đứt dây điện.
Trường hợp không cách ly được nạn nhân ra khỏi nguồn điện:
Nếu tai nạn do điện hạ thế
Người tiến hành sơ cứu cần chuẩn bị các biện pháp an toàn cho cá nhân một cách tốt nhất trước khi tiến hành sơ cứu nạn nhân. Sau khi chuẩn bị các biện pháp bảo hộ, dùng các vật có khả năng cách điện như sào, gậy tre hoặc thanh gỗ khô để tách dây điện ra khỏi người nạn nhân.
Nếu nạn nhân nắm chặt vào dây điện, người sơ cứu phải đứng trên các vật cách điện như bệ gỗ, thảm cao su/đi ủng cách điện, mang găng tay cách điện để gỡ nguồn điện ra khỏi người nạn nhân.
Nếu người bị tai nạn do điện cao thế
Trường hợp phát hiện nạn nhân bị tai nạn do điện cao thế, nếu tại hiện trường không có các lực lượng chuyên ngành, người sơ cứu phải báo ngay cho lực lượng chức năng tiến hành cắt điện. Trước khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, người tiến hành sơ cứu bắt buộc phải trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn điện như: Ủng cao su cách điện, găng tay cách điện hoặc xào cách điện…
Trong trường hợp không có các dụng cụ an toàn kể trên thì cần làm ngắn mạch đường dây bằng cách lấy dây đồng hoặc dây nhôm, dây thép nối đất một đầu rồi ném lên đường dây tạo ngắn mạch các pha. Khi ném lưu ý tuyệt đối tránh để dây văng hoặc tiếp xúc với cơ thể nạn nhân. Dùng các biện pháp đỡ/chống rơi, ngã nếu người bị nạn ở trên cao.
Ngay sau khi nhận định/đánh giá được tình trạng sức khỏe nạn nhân thì gọi ngay tới số 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất trước khi tiến hành các biện pháp sơ - cấp cứu | Galaxy M&E.
Sau khi đã tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, cần quan sát, nhận định, đánh giá tình trạng sức khỏe của nạn nhân để có biện pháp sơ cứu thích hợp.
Trường hợp nạn nhân chưa mất tri giác
Nạn nhân chưa mất tri giác, hơi thở yếu, mê man. Trường hợp này cần kiểm tra cơ thể nạn nhân để biết mức độ tổn thương nếu có. Ưu tiên kiểm tra vùng đốt sống cổ bởi những tổn thương ở đây có thể khiến nạn nhân liệt vĩnh viễn nếu không cấp cứu kịp thời. Sau khi nắm rõ tình trạng sức khỏe thì di chuyển nạn nhân tới nơi thoáng khí, yên tĩnh. Việc tiếp theo là đưa nạn nhân tới cơ sở y tế nơi gần nhất để tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp cứu cần thiết khác.
Trường hợp nạn nhân đã mất tri giác
Nạn nhân mất tri giác khi người sơ cứu tác động (lay, gọi, cấu…) nhưng không có phản ứng. Nếu nạn nhân vẫn còn thở nhẹ, tim đập yếu, cần đặt nạn nhân nơi thoáng khí, yên tĩnh. Nới rộng quần áo, thắt lưng để nạn nhân dễ hô hấp. Sau đó, cho nạn nhân ngửi ammoniac/nước tiểu, xoa bóp toàn thân cho nóng lên đồng thời gọi cho nhân viên y tế và chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
Người bị nạn đã tắt thở
Nếu người bị nạn đã tắt thở, tim ngừng đập thì cần đặt nạn nhân nơi thoáng khí, bằng phẳng, nới rộng quần áo và thắt lưng, lau sạch máu, nước bọt và các chất bẩn trong miệng, mũi. Kiểm tra miệng nạn nhân xem có vướng gì không rồi thực hiện hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực. Nếu có thể chuyển ngay nạn nhân tới cơ sở y tế. Trong quá trình di chuyển, người sơ cứu cần thực hiện liên tục các động tác hô hấp nhân tạo.
Trường hợp bị đa chấn thương
Đa chấn thương là hậu quả do tác động của dòng điện khiến nạn nhân bị co rút, không làm chủ tư thế khiến cơ thể bị ngã/va chạm với môi trường và các vật thể xung quanh. Đa chấn thương có thể dưới dạng trật khớp, bong gân, gãy xương kín, rách da hoặc tổn thương nội tạng.
Biểu hiện của của gãy xương kín, bong gân, trật khớp, tổn thương nội tạng đều có chung đặc điểm là đau, sưng, bầm tím khu vực tổn thương. Nạn nhân bị chấn thương loại này thường mất chức năng vận động hoặc ngại vận động vì đau.
Trong trường hợp nạn nhân bị đa chấn thương và tim phổi vẫn hoạt động, ngay sau khi nhận biết được tình trạng tổn thương, người sơ cứu cần phối hợp với những người xung quanh để di chuyển nạn nhân tới nơi an toàn, sau đó gọi cho nhân viên y tế và cố định vết thương (nếu gãy xương, trật khớp) hoặc băng bó, cầm máu nếu tổn thương ngoài da.
Trường hợp nạn nhân bị đa chấn thương và ngừng hô hấp thì gọi ngay cho nhân viên y tế và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế nơi gần nhất. Trong quá trình di chuyển, nếu nạn nhân không bị các tổn thương khu vực lồng ngực, cột sống, đầu thì tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực để giúp nạn nhân phục hồi phục hô hấp. Trường hợp khác cần có sự can thiệp và hỗ trợ kịp thời bởi bởi đơn vị cấp cứu 115.
Tuyệt đối không thực hiện ép tim ngoài lồng ngực với nạn nhân bị chấn thương vùng ngực và/hoặc cột sống | Galaxy M&E.
Với nạn nhân ngừng hô hấp nhưng không bị các tổn thương khu vực vùng ngực, đầu và cột sống thì sau khi gọi nhân viên y tế cần tiến hành ngay các biện pháp hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực.
Tư thế nạn nhân trước khi tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực: Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, chân cao hơn đầu. Không để nạn nhân nằm trên nệm khi tiến hành sơ cứu.
Cách thức hô hấp nhân tạo kết hợp ép tim ngoài lồng ngực:
Để hai bàn tay chồng lên nhau, các ngón tay lồng chéo vào nhau, sau đó dồn sức nặng toàn thân ép vào vị trí 1/3 xương ức bên trên tim. Nếu có 2 người tham gia cấp cứu thì ép tim ngoài lồng ngực 5 lần lại thổi ngạt 1 lần. Nếu chỉ có một người, cứ 15 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần. Thực hiện đều đặn như thế cho đến khi nạn nhân tỉnh, thở lại được, môi hồng trở lại, bắt được mạch ở cổ tay và có xe cấp cứu chuyển nạn nhân đến bệnh viện. Trong quá trình di chuyển, cứ 3 phút lại theo dõi sắc mặt, mạch, đồng tử, nhịp thở của nạn nhân.
Nạn nhân bị điện giật chỉ được coi là tử vong sau khi có kết quả chẩn đoán thông qua các phương tiện chẩn đoán hiện đại và có sự kết luận của bệnh viện nơi tiến hành hồi sức cấp cứu | Galaxy M&E.
- Khi ngắt điện, cần đề phòng nạn nhân bị rơi/ngã khiến tai nạn nặng thêm;
- Người tiến hành sơ cứu nạn nhân, tuyệt đối không dùng tay không để kéo nạn nhân ra khỏi nguồn điện khi chưa ngắt điện.
- Toàn bộ công việc cấp cứu nạn nhân ngừng tim, ngừng hô hấp đòi hỏi người cấp cứu phải thật bình tĩnh, khẩn trương, thực hiện đúng cách và tiến hành ngay tại nơi xảy ra điện giật;
- Trong quá trình vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế vẫn phải tiếp tục công việc cấp cứu, theo dõi sát sao để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng;
- Lưu ý đặc biệt: Thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp nạn nhân điện giật bị tử vong sau khi tiến hành chôn cất. Trong quá trình cải táng/khai quật các ngôi mộ, người ta phát hiện thấy hài cốt nạn nhân bị xô lệch, các khớp xương ở tư thế co quắp, không ngay ngắn như khi tiến hành khâm liệm. Thành quan tài có nhiều vết xước nghi vết cào cấu của nạn nhân. Đây là những cái chết thực sự đáng tiếc, để lại nỗi đau không chỉ cho nạn nhân mà còn cả những người xung quanh. Do vậy, quá trình sơ - cấp cứu người bị điện giật cần tiến hành kiên trì và liên tục. Thời gian để cho nạn nhân hồi phục tim - phổi có thể kéo dài trong trong nhiều ngày, đòi hỏi sự hỗ trợ tích cực của nhiều trang thiết bị y tế cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa cấp cứu. Nạn nhân chỉ được coi là tử vong sau khi có kết quả chẩn đoán thông qua các phương tiện chẩn đoán hiện đại và có sự kết luận của bệnh viện nơi tiến hành hồi sức cấp cứu.
Trên đây là toàn bộ những điều cần biết trước khi khi tiến hành sơ cứu cho nạn nhân bị tai nạn điện. Để hạn chế tối đa các nguy cơ do tai nạn điện gây ra, mỗi cá nhân cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về an toàn điện. Tuyệt đối không tham gia vận hành, sửa chữa các thiết bị tiêu thụ điện nếu không có kiến thức chuyên môn. Không di chuyển hoặc lại gần khu vực nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, bảo vệ trạm biến áp hoặc các công trình phục vụ truyền tải điện.
Với những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, vận hành, sửa chữa cơ - điện cần hiểu và nắm rõ các nguyên nhân do tai nạn điện gây ra, các văn bản quy định của Nhà nước về an toàn điện, phải được tham gia các khóa huấn luyện an toàn điện trước khi tiến hành công việc.
BBT Galaxy M&E