Một trong nguyên nhân gây ra thương vong tại các đám cháy chính là ngạt khói. Khi cháy, khói đen kèm theo khí độc phát tán nhanh chóng, bao kín không gian trong và ngoài đám cháy. Đặc biệt với kiến trúc của các tòa nhà cao tầng, khói sẽ nhanh chóng len lỏi qua hệ thống hành lang, cầu thang, bao vây toàn bộ khu nhà. Ngoài cửa chống cháy được lắp đặt, khi xây dựng, chủ đầu tư còn cần trang bị thêm hệ thống điều áp cầu thang.
Vậy hệ thống điều áp cầu thang là gì?
Hệ thống điều áp cầu thang hay còn gọi là hệ thống tăng áp là hệ thống giúp điều tiết áp suất không khí tại cầu thang, hành lang khi xảy ra hỏa hoạn. Đây là hệ thống bắt buộc phải có tại các tòa nhà cao tầng. Căn cứ theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6160:1996, nhà cao tầng được hiểu là công trình (bao gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, TTTM…) có độ cao từ 25 m đến 100 m (tương đương từ 10 đến 30 tầng). Về quy định bắt buộc đối với hệ thống điều áp, điều 11.4, 15.5, 11.6 của TCVN 6160:1996 ghi rõ:
- Điều 11.4: Để đẩy khói từ hành lang hoặc phòng đệm của mỗi tầng, phải thiết kế hầm đẩy cưỡng bức và có van ở mỗi tầng. Lưu lượng đẩy của quạt, mặt cắt hầm đẩy, van điều khiển được xác định theo tính toán. Van và quạt phải được đóng mở tự động bằng các đầu báo và bằng các nút điều khiển ở mỗi tầng.
- Điều 11.5: Để khói từ thang máy, buồng thang không lan vào các tầng thì các tầng phải đảm bảo áp suất dư của không khí là 2 Kg/m2 khi có một cửa mở.
- Điều 11.6: Để khói không lan vào buồng thang, thang máy và ngược lại thì cửa vào buồng thang phải thiết kế phòng đệm có cửa tự động đóng và có đệm kín và có hệ thống điều áp với áp suất dư của không khí ở phòng đệm không nhỏ hơn 2 Kg/m2.
Hệ thống điều áp cầu thang sẽ ngăn không cho khói độc phát tán, tạo vùng an toàn
để thoát hiểm.
Tác dụng thứ nhất của hệ thống điều áp là giữ cho khói và khí độc cách xa lối thoát hiểm, tạo vùng an toàn cho con người thoát ra khỏi đám cháy và vùng bị khói/khí độc xâm lấn.
Tác dụng thứ 2 của hệ thống điều áp là góp phần hỗ trợ công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn khi có hỏa hoạn xảy ra bằng cách tạo ra sự chênh lệch áp suất.
Tác dụng thứ 3 là bảo vệ và giữ gìn tài sản khỏi tác động của khói và khí độc. Khói và khí độc phát sinh từ đám cháy luôn kèm theo nhiệt lượng. Lượng nhiệt này tỷ lệ thuận với nguồn phát nhiệt. Trong các thương vong do cháy gây ra, nhiều trường hợp khi khám nghiệm tử thi cơ quan điều tra phát hiện nạn nhân không những bị tử vong do ngộ độc khí mà phổi còn bị bỏng rộp do nguồn khói gây ra. Nhiệt từ khói nếu không có hệ thống điều áp ngăn chặn sẽ tác động đến chính hệ thống chuông, đèn, cảm biến… sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp.
Tác dụng thứ 4 và quan trọng nhất là đảm bảo tối đa an toàn cho sinh mạng con người, đặc biệt với những đối tượng cần trợ giúp khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Với những người trưởng thành và khỏe mạnh, việc phát hiện và chạy thoát khỏi đám cháy sẽ dễ dàng hơn nhiều so với người già, người tàn tật, trẻ nhỏ. Khi xảy ra cháy, cầu thang thoát hiểm đi kèm hệ thống điều áp vận hành tốt sẽ là nơi thoát hiểm hoặc trú ẩn tạm thời an toàn nhất trong lúc đợi lực lượng chức năng tiếp cận và ứng cứu.
Áp suất tạo ra từ hệ thống điều áp phải có độ lớn từ 20 Pa đến 50 Pa.
Theo nguyên tắc, khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống điều áp cầu thang sẽ phải tự động hoạt động. Nhờ quạt điều áp, không khí từ bên ngoài tòa nhà được đẩy vào bên trong cầu thang thoát hiểm tạo ra một lượng khí có áp suất và tốc độ lưu thông cao hơn khu vực hành lang và nơi phát sinh nguồn nhiệt. Luồng áp suất này theo yêu cầu kỹ thuật phải có độ lớn từ 20 Pa đến 50 Pa. Nhờ luồng không khí áp suất cao, lửa sẽ không bị cháy lan, khói/khí độc sẽ không xâm lấn vào khu vực cầu thang thoát hiểm.
Cấu tạo của hệ thống điều áp cầu thang bao gồm những thành phần chính như sau: Quạt điều áp, đường ống dẫn gió, các cửa cấp khí và van đóng mở, hệ thống cảm biến, hệ thống chữa cháy tự động. Tất cả những thành phần này thường được tích hợp và điều khiển thống nhất bởi hệ thống quản lý trung tâm BMS (Building management system).
Trong các thành phần nói trên, hai thành phần đóng vai trò quan trọng là hệ thống cảm biến và hệ thống BMS.
Hệ thống cảm biến bao gồm cảm biến chênh áp, cảm biến nhiệt và khói. Khi hỏa hoạn, một hoặc đồng thời các cảm biến sẽ hoạt động và báo tín hiệu đến hệ thống BMS. Nhận được tín hiệu, BMS sẽ cho khởi động 100% công suất quạt tạo áp. Các cửa hút, xả khí theo cài đặt mặc định sẽ tự động điều tiết luồng không khí để đảm bảo lượng áp suất dư cần thiết, tạo ra vùng đệm và thoát hiểm an toàn cho cư dân. Cùng lúc hệ thống điều áp vận hành, các tín hiệu báo cháy, đèn hiệu, hệ thống dập lửa sẽ hoạt động. Một số hệ thống BMS còn kết nối tự động đến lực lượng PCCC để được nhanh chóng hỗ trợ cứu nạn.
Để đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy nói chung và hệ thống điều áp nói riêng hoạt động hiệu quả thì nguồn điện cung cấp cho các hệ thống này phải là nguồn điện độc lập, sử dụng được trong các tình huống khẩn cấp. Toàn bộ dây dẫn cấp điện phải đảm bảo tính chống cháy và được thiết kế lắp đặt phù hợp với các quy chuẩn quốc tế cũng như của Việt Nam hiện đang áp dụng.
Ngoài thiết bị cảm biến và BMS, một bộ phận khác được coi là trái tim của hệ thống điều áp cầu thang là quạt điều áp. Quạt điều áp có nhiều loại với cấu tạo khác nhau, được sử dụng dựa trên đặc điểm của từng loại công trình (tòa nhà, nhà xưởng, bệnh viện, trung tâm thương mại …).
Trong một công trình, hệ thống điều áp và hệ thống thông gió luôn được tích hợp đồng bộ.
Ngoài tác dụng đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi xảy ra hỏa hoạn, hệ thống điều áp cầu thang còn có tác dụng lưu thông không khí, tạo nguồn khí sạch trong các công trình, tòa nhà văn phòng, chung cư, trung tâm thương mại. Sự đối lưu của không khí tuân theo nguyên tắc đi từ nơi áp suất cao đến nơi có áp suất thấp. Với những nơi tập trung đông người, đông thiết bị như văn phòng, TTTM, nơi chứa nhiều khí độc như hầm giữ xe, hệ thống điều áp sẽ tạo ra một lượng áp suất thấp hơn để không khí nhanh chóng luân chuyển và làm sạch. Chính vì điều này mà hệ thống điều áp luôn được thi công kèm với hệ thống thông gió. Việc thi công kết hợp sẽ tạo ra sự đồng bộ cho quá trình vận hành, tối đa hóa hiệu suất làm việc của hệ thống điều áp, nâng cao hiệu quả đầu tư và khả năng phòng cháy chữa cháy, tạo không gian thoáng đãng, an toàn cho người sử dụng.
Để hệ thống điều áp và hệ thống thông gió tòa nhà hoạt động tối ưu, hơn ai hết chủ đầu tư là người nắm vai trò quyết định. Chất lượng công trình có tiện nghi và đảm bảo an toàn hay không phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ đầu tư. Lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế, thi công có đủ kinh nghiệm, đã từng tham gia nhiều dự án lớn, đặc biệt đã trải qua những đòi hỏi khắt khe của nhóm khách hàng đến từ các nước tư bản phát triển là cách lựa chọn khôn ngoan. Thay vì lựa chọn gói thầu giá rẻ, chấp nhận đầu tư nhiều hơn để được an toàn hơn, uy tín hơn luôn là bước đi đúng đắn với những đơn vị coi khách hàng là nơi che chở, bao bọc và chỗ dựa bền vững cho doanh nghiệp.
BBT Galaxy M&E